Người nước ngoài vi phạm pháp luật ngày càng nhiều. Từ những tội hình sự nguy hiểm xã hội giờ đến cả những vi phạm trong kinh doanh đất đai và các hoạt động giao thương khác.
Chuyện không chỉ ở Đà Nẵng. Và giải pháp nào để ngăn chặn tình trạng lan rộng hơn?
Đà Nẵng đã thẳng thắn
Tình trạng người nước ngoài vi phạm pháp luật có xu hướng tăng cao, đa dạng về hành vi vi phạm - đó là điều giám đốc Công an Đà Nẵng đã thẳng thắn thừa nhận tại cuộc họp HĐND TP này mới đây.
Từ việc mở đường dây phát tán phim sex, cho vay nặng lãi, tổ chức đánh bạc xuyên quốc gia, vận chuyển ma túy với tang vật lên tới hàng tấn, trộm cắp, lừa đảo, xuyên tạc lịch sử, hướng dẫn viên du lịch thuyết minh sai sự thật... đều không còn là chuyện mới.
Chỉ riêng tại Đà Nẵng, từ cuối năm 2018 đến nay, cơ quan chức năng đã xử lý trên 500 trường hợp người Trung Quốc tổ chức đánh bạc qua mạng. Đáng chú ý, nhiều người vi phạm còn là tội phạm đang trốn truy nã.
Lo nhất là tình trạng người nước ngoài lợi dụng sự quản lý lỏng lẻo, khe hở pháp luật để thâu tóm đất. Mới đây, Phó thủ tướng - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có văn bản chính thức trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc (Đồng Nai): "Cơ quan chức năng đã phát hiện hàng trăm doanh nghiệp do người Việt đứng tên cho doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài đầu tư kinh doanh trên các lĩnh vực
bất động sản, du lịch tại những vị trí có nguy cơ ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh".
Người nước ngoài mua bán bất động sản dưới nhiều hình thức "núp bóng" cá nhân và pháp nhân Việt Nam bằng việc góp vốn, cho vay tiền để thành lập doanh nghiệp nhưng mọi quyết định đều phải thông qua bên cho vay. Đáng lưu tâm hơn nữa là chuyện này diễn ra ở những vị trí liên quan đến quốc phòng, an ninh với thời hạn sử dụng đất lâu dài để lách luật đất đai, sau đó mua lại phần góp vốn.
Những hình thức "núp bóng" như thế, dù không có người nước ngoài nào đứng tên trên sổ đỏ nhưng họ nắm quyền quyết định và sau đó tìm cách chính thức sở hữu quyền sử dụng đất. Điển hình như ở Đà Nẵng.
Giải đáp thắc mắc của cử tri Ngô Minh Hồng (huyện Hòa Vang), giám đốc Sở TN-MT Đà Nẵng Tô Văn Hùng cho biết đã có 21 trường hợp là người Trung Quốc đứng tên sở hữu quyền sử dụng đất. Trước đây, đất do người Việt Nam đứng tên nhưng trong quá trình khai thác, sử dụng, mua bán cổ phần và góp vốn, quyền sử dụng đất đã chuyển sang cho người Trung Quốc.
Pháp luật đã đủ để ngăn chặn?
Pháp luật có đủ các quy định để lường trước tình huống này? Hiện nay, tỉ lệ mua cổ phần, góp vốn, sử dụng dòng vốn đầu tư từ nước ngoài vào các doanh nghiệp trong nước đang tăng cao. Việc xảy ra ở Đà Nẵng liệu có thể ngăn chặn được ở tỉnh thành khác? Cần kịp thời giải quyết tình trạng này. Trong khi đó, dư luận bức xúc với hàng loạt dự án đô thị đang dẫn đến tình trạng người dân phải di dời mất đất với giá đền bù thấp, xáo trộn cuộc sống dẫn đến bất bình, khiếu kiện.
Cùng với việc quản lý, phòng chống các hành vi người nước ngoài vi phạm pháp luật, cần lưu tâm đến những việc người nước ngoài đứng sau hoặc trực tiếp tham gia mua bán đất đai. Người nước ngoài đến Việt Nam làm gì, tham gia các hoạt động gì cần được quản lý chặt từ khâu xuất nhập cảnh cửa khẩu, sân bay, quản lý tạm trú. Cả các dự án, các hoạt động kinh tế có liên quan cũng vậy.
Nên siết lại các quy định quản lý người nước ngoài, liên quan đến quyền sử dụng đất có vốn từ nước ngoài, kể cả việc sang nhượng cổ phần cho người nước ngoài liên quan đến tài sản là bất động sản. Việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất gắn với nhận chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ dự án đầu tư phải có ý kiến cấp thẩm quyền hoặc cơ quan có chức năng.
Đồng thời, cần khắc phục những tồn tại trong công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động các doanh nghiệp có liên quan đến yếu tố người nước ngoài ngay từ khâu thẩm định, cấp phép, kiểm tra, giám sát các dự án một cách có hệ thống. Thậm chí, xem xét thu hồi giấy phép, tạm dừng hoặc điều chỉnh những dự án trên cơ sở mức độ vi phạm, thu hồi quyền sử dụng đất do nhà đầu tư nước ngoài thâu tóm hoặc chuyển nhượng trái phép.
Ngán ngại với "thương lái nước ngoài"
Tôi có người thân ở biên giới tỉnh Tây Ninh và vài nơi ở ĐBSCL, nghe râm ran những chuyện có người nước ngoài "ở phía sau" chi tiền đầu tư thuê hàng chục mẫu đất để người Việt trồng cây, nuôi thủy sản với quy mô lớn. Kèm theo đó là những băn khoăn về môi trường đất, nguồn nước nhiễm bẩn và cả những nỗi lo chưa rõ dạng hình về an ninh.
Đây đó có tin đồn có người nước ngoài đang tìm mua đất, giá đất rục rịch lên, người người bỏ công ăn việc làm để chuyển sang môi giới bán đất. Đất sang tay đến lần 2, lần 3, giá lên cao gấp nhiều lần rồi thì không bán được nữa... Những chủ đất người Việt muốn lướt sóng kiếm lời phải "ôm đất" giá cao, bán lại không ai mua.
Tôi lại nhớ về những phi vụ thương lái nước ngoài thu gom nông thủy sản nhiều năm qua. Bao nhiêu loại trái cây ùn ùn tăng giá khi nghe nói có người nước ngoài thu mua, người người đua nhau trồng và nuôi, nhiều người Việt đi làm thương lái và "ôm lỗ" khi thương lái nước ngoài biến mất, hàng hóa không ai mua.
Sự có mặt của những người nước ngoài kiểu này và cách mua bán, thu lợi của họ để lại hậu quả không nhỏ cho nông nghiệp nước nhà. Nông dân khổ sở chờ giải cứu nông sản, thương lái nước ngoài đã đi mất (tất nhiên kèm món lợi của họ). Chuyện này không chỉ cần sự sáng suốt của bà con mình mà còn cần bàn tay quản lý mạnh mẽ hơn của Nhà nước khi chuyện mua bán kiểu này vẫn tái diễn khắp nơi.
MINH ĐỨC